1. Giới thiệu và mô tả chương trình:
Chương trình khung ngành đào tạo Y sỹ Y học cổ truyền (YHCT) tại Trường TC Kỹ thuật Y Dược Hà Nội được xây dựng theo chương trình khung đào tạo y sỹ y học cổ truyền đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quyết định số 172/2003 QĐ-BYT ngày 13/1/2003.
Nội dung các hoạt động trong khóa đào tạo Y sỹ YHCT gồm: Các môn học chung; các môn học cơ sở; các môn học chuyên môn; thực tập và thực tập tốt nghiệp; thi – kiểm tra kết thúc môn học và thi tốt nghiệp; nghỉ hè, lễ, tết; lao động công ích và mỗi năm học dự trữ 1 tuần. Phần này đã được quy định tại Bảng phân phối quỹ thời gian khóa học.
Mỗi năm học được chia ra làm 2 Học kỳ. Thời gian của các hoạt động trong khóa học được tính theo tuần. Thời gian giảng dạy lý thuyết và thực hành các môn học được tính theo tiết, mỗi tiết là 45 phút. Mỗi ngày có thể bố trí học 1 hoặc 2 buổi, mỗi buổi không quá 6 tiết. Mỗi tuần không bố trí quá 32 tiết lý thuyết. Thời gian thực tập, thực tập tốt nghiệp và lao động sản xuất được tính theo giờ, mỗi ngày không bố trí quá 8 giờ. Phần này đã được quy định tại các bản Kế hoạch đào tạo của từng Học kỳ (trang 12-15):
Chương trình đào tạo Y sỹ YHCT gồm 22 môn học. Mỗi môn học đã được xác định số tiết học (bao gồm số tiết lý thuyết và thực hành môn học). Hệ số môn học, xếp loại môn học xác định thời gian thực hiện môn học theo Học kỳ của từng năm. Hiệu trưởng các trường căn cứ vào chương trình khung để xây dựng chương trình môn học và lập kế hoạch đào tạo toàn khóa, kế hoạch đào tạo năm học.
Mục tiêu đào tạo tổng quát: Đào tạo người Y sỹ YHCT có kiến thức, kỹ năng chuyên môn về YHCT bậc trung học, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trước sức khỏe và tính mạng người bệnh; có đủ sức khỏe; không ngừng học tập để nâng cao trình độ.
Học xong chương trình này, người học có đủ kiến thức và kỹ năng để trở thành người cán bộ y tế, có khả năng quản lý, khám và điều trị một số bệnh thông thường theo quy định, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Người Y sỹ có thể học liên tiếp lên trình độ đại học.
Đối tượng tuyển sinh: Học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
2. Mục tiêu đào tạo:
MÔ TẢ NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI Y SỸ Y HỌC CỔ TRUYỀN
a) Khám và chữa các bệnh và chứng bệnh thông thường bằng YHCT, kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại.
b) Phát hiện và xử trí ban đầu một số bệnh cấp cứu.
c) Thừa kế các phương pháp, kinh nghiệm, bài thuốc chữa bệnh bằng YHCT trong nhân dân địa phương.
d) Chế biến và bào chế một số dạng thuốc YHCT
e) Hướng dẫn nhân dân trồng và xử dụng thuốc Nam để chữa một số bệnh và chứng bệnh tại nhà.
f) Giáo dục, hướng dẫn nhân dân nuôi, trồng, khai thác các cây, con và nguyên liệu làm thuốc.
g) Hướng dẫn nhân dân thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng bằng YHCT
h) Tham gia các hoạt động chăm sóc – bảo vệ sức khỏe nhân dân và các chương trình Y tế Quốc gia tại địa phương.
i) Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và đánh giá, công tác YHCT của địa phương.
j) Tư vấn cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng về các vấn đề về sức khỏe và bảo vệ sức khỏe.
k) Tham gia hướng dẫn, huấn luyện nhân viên y tế, học sinh y tế thực tập tại đơn vị.
l) Tham gia công tác hành chính, quản lý hồ sơ sổ sách, bệnh án theo sự phân công.
m) Quản lý và bảo quản thuốc, dụng cụ, trang thiết bị trong khoa/ phòng, đơn vị.
n) Thực hiện Luật Bảo Vệ Sức Khỏe Nhân Dân và các quy định về chuyên môn của Bộ Y Tế.
2.1 Về kiến thức:
- Kiến thức chung.
+ Nắm được những quy định cơ bản của các luật về nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, người lao động...của nhà nước.
+ Thực hiện các quy định của luật bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong công tác.
- Kiến thức Y học cơ sở và chuyên môn.
Trình bày được:
+ Cấu tạo, chức năng hoạt động của các cơ quan, bộ phận của cơ thể con người.
+ Sự tác động qua lại giữa môi trường sống và sức khoẻ con người, các biện pháp duy trì và cải thiện điều kiện sống để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.
- Trình bày được những nguyên tắc cơ bản để phát hiện, chẩn đoán, xử trí và phòng một số bệnh thông thường bằng y học cổ truyền.
2.2, Về kỹ năng:
- Thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của người Y sĩ trong phát hiện, thăm khám và chữa một số bệnh, chứng bệnh thông thường tại các cơ sở Y tế.
- Phát hiện sớm và xử trí ban đầu các trường hợp cấp cứu tại tuyến y tế cơ sở.
- Làm được một số thủ thuật theo quy định của Bộ Y tế, chăm sóc bệnh nhân tại nhà và phục hồi chức năng tại cộng đồng.
- Chuyển tuyến trên kịp thời các bệnh vượt quá quy định và khả năng giải quyết ở tuyến y tế cơ sở.
- Tổ chức quản lý và thực hiện nhiệm vụ được giao trong các chương trình y tế quốc gia, phát hiện dịch bệnh sớm, lập kế hoạch, triển khai thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phát hiện dịch và chống dịch tại nơi công tác.
- Truyền thông giáo dục sức khoẻ; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, vận động cộng đồng cùng tham gia giải quyết những vấn đề sức khoẻ ở tuyến y tế cơ sở.
- Quản lý tốt trạm y tế xã.
2.3, Về thái độ :
- Thực hành nghề nghiệp theo luật pháp, tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
- Tôn trọng người bệnh, tận tình chăm sóc và thương yêu bệnh nhân.
- Đoàn kết, chân thành, hợp tác tốt với đồng nghiệp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành.Khiêm tốn học tập, gắn kết với cộng đồng để vận động mọi người thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.
Đánh giá học sinh:
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình đào tạo và khi kết thúc khóa học được thực hiện theo Quyết định số 40/2007/ QĐ –BGD & ĐT ngày 1/8/2007 của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế kiểm tra, thi, xét lên lớp và công nhận tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy.
Thực hiện môn học:
Các môn học trong chương trình đào tạo y sỹ YHCT gồm 3 phần sau đây:
- Giảng dạy lý thuyết
- Thực tập tại các phòng thực hành của nhà trường.
- Thực tập tại các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng.
Giảng dạy lý thuyết
Thực hiện tại các lớp học của nhà trường. Nhà trường cung cấp đầy đủ giáo trình môn học cho học sinh, các phương tiện, đồ dùng dạy học cho thầy và trò, các giáo viên giảng dạy môn học, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, thực hiện lượng giá, đánh giá theo các quy định của từng môn học.
- Môn học bệnh học Y học hiện đại bao gồm các bệnh về Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa, Sản phụ khoa, Truyền nhiễm và các bệnh chuyên khoa. Số tiết của từng phần được quy định cụ thể trong chương trình chi tiết. Ngoài phần lý thuyết học tại trường, học sinh phải thực tập lâm sàng tại các khoa tương ứng tại bệnh viện. Học sinh học xong các môn học này có khả năng chẩn đoán, điều trị, chăm sóc những bệnh thường gặp (ở trình độ trung cấp) bằng y học hiện đại, tạo khả năng cho học sinh có thể kết hợp y học hiện đại và YHCT.
- Môn bệnh học YHCT bao gồm các bệnh về Nội, Ngoại, Phụ - Sản, Nhi, Truyền nhiễm và Ngũ quan. Số tiết học của từng phần bệnh học YHCT được quy định cụ thể trong chương trình chi tiết. Cùng với việc học ly thuyết tại trường học sinh phải được thực hiện lâm sàng tại Bệnh viện, Khoa YHCT theo từng phần tương ứng. Học sinh vận dụng những kiến thức chung về YHCT để chẩn đoán điều trị các bệnh thông thường bằng YHCT.
Thực tập tại phòng thực hành của nhà trường:
Với các môn học có phần thực tập tại phòng thực hành của nhà trường, các trường tổ chức để học sinh thực tập đúng khối lượng thời gian và nội dung đã quy định. Có thể phân chia lớp học thành các nhóm nhỏ để học sinh được trực tiếp thực hiện các nội dung thực hành. Để đảm bảo chất lượng thực tập của học sinh, các trường cần xây dựng và hoàn thiện các phòng thực hành, xưởng bào chế, quầy thuốc YHCT… trong trường hợp nhà trường chưa đủ các phòng thực hành theo các môn học ( thực hành đông dược, bào chế đông dược…) nhà trường có thể liên hệ với các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế để tạo ra các cơ sở thực tập cho học sinh. Học sinh được đánh giá kết quả thực tập bằng điểm hệ số 1 hoặc hệ số 2 và được tính vào tổng kết môn học.
Thực tập tại bệnh viện:
- Thời gian:
Tổng số thời gian thực tập lâm sàng tại bệnh viện là 900 giờ, được bố trí vào các buổi sáng của học kỳ I năm thứ nhất (5 tuần), học kỳ II năm thứ nhât (12 tuần), học kỳ I năm thứ hai (15 tuần) và học kỳ II năm thứ hai (13 tuần).
- Địa điểm:
+ Phần bệnh học y học hiện đại thực tập tại các khoa của bệnh viện đa khoa khu vực Vân Đình, Bệnh viện Đa Khoa huyện Chương Mỹ..
+ Phần YHCT thực tập tại các khoa YHCT của Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội.
- Nội dung:
+ Nội dung chủ yếu của thời gian thực tập lâm sàng tại bệnh viện là thực hành kỹ năng phát hiện triệu chứng, chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường bằng YHCT và y học hiện đại, kết hợp YHCT và y học hiện đại trong khám chữa bệnh.
+ Tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người bệnh và thân nhân người bệnh
+ Phụ tá các bác sỹ thực hiện các kỹ thuật trong khám, chữa bệnh
+ Tham gia trực tại bệnh viện
+ Ghi chép, sắp xếp hồ sơ, sổ sách, thuốc, dụng cụ tại các khoa – phòng thực tập
Phần thực tập lâm sàng tại các bệnh viện là phần quan trọng nhất trong chương trình đào tạo y sỹ YHCT nhằm hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho người y sỹ YHCT.
Mỗi phần thực tập lâm sàng tại bệnh viện được bố trí thành một môn học riêng thể hiện bằng hệ số môn học, xếp loại môn học (môn thi – môn kiểm tra).
Thời gian thực tập tại bệnh viện của mỗi phần được bố trí tương ứng với thời điểm các môn học chuyên môn để học sinh thực hành và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế lâm sàng.
- Tổ chức thực tập:
Căn cứ vào khối lượng thời gian, nội dung thực tập đã phân bố theo từng học kỳ và tình hình thực tế của các cơ sở thực tập của trường và địa phương, Hiệu trưởng nhà trường bố trí các lớp học sinh thành từng nhóm (không quá 15 học sinh), quy định thời gian thực tập tại mỗi cơ sở thực hành để học sinh có thể luân phiên thực tập ở các cơ sở nhằm hoàn thiện năng lực nghề nghiệp toàn diện của học sinh. Tại mỗi cơ sở thực tập hoặc mỗi đợt thực tập, Hiệu trưởng quy định chỉ tiêu thực hành cho học sinh cần phải thực hiện.
Trong thời gian học sinh thực tập tại bệnh viện phải có giáo viên của nhà trường hoặc giáo viên thỉnh giảng trực tiếp hướng dẫn học sinh.
- Đánh giá:
+ Kiểm tra thường xuyên: Mỗi tuần thực tập tại Bệnh viện được đánh giá bằng một điểm hệ số 1
+ Kiểm tra định kỳ: Kết thúc mỗi phần trong môn học được đánh giá bằng một điểm hệ số 2.
+ Kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ là một bài thi thực hành ( khám bệnh, lập và ghi chép bênh án, kỹ thuật chăm sóc người bệnh…)
+ Đánh giá kết thúc:
Thực hiện theo quy định môn thi/môn kiểm tra và hệ số môn học đã được ghi trong chương trình khung. Điểm thi hoặc kiểm tra kết thúc môn học là điểm của bài kiểm tra thực hành (thực hiện một hay một số quy trình kỹ thuật trong khám, điều trị, chăm sóc người bệnh...), kết hợp với điểm hoàn thành các chỉ tiêu thực hành và kiểm tra thực tập của học sinh.
Thực tập tại cộng đồng:
Thời gian thực tập tại cộng đồng là 2 tuần (80 giờ) thực hiện vào cuối học kỳ I năm thứ hai và được xác định là một môn học kiểm tra có hệ số 2.
Địa điểm thực tập Cộng đồng tại các trạm Y tế xã và Cộng đồng dân cư trong xã.
Nội dung thực tập tại Cộng đồng là vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học tại nhà trường vào thực tế chăm sóc sức khỏe tại Cộng đồng, tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh tại Trạm y tế xã bằng YHCT.
Ngay từ đầu khóa học, nhà trường cần xác định các địa điểm học sinh sẽ đến thực tập. Căn cứ vào mục tiêu học tập toàn khóa, Hiệu trưởng các trường xác định mục tiêu, nội dung học tập, chỉ tiêu thực hành tại cộng đồng, phân công giáo viên của trường, bồi dưỡng giáo viên kiêm chức, chuẩn bị cơ sở vật chất, hậu cần…… và lập kế hoạch cụ thể cho mỗi đợt thực tập tại cộng đồng cho các khóa đào tạo.
Học sinh thực tập tại cộng đồng nhất thiết phải có giáo viên nhà trường hoặc kết hợp với giáo viên kiêm chức để hướng dẫn, quản lý, đánh giá học sinh. Không đươc “ khoán trắng” “ công việc hướng dẫn học sinh cho cán bộ y tế xã”
Trong thời gian thực tập tại cộng đồng, mỗi tuần học sinh làm một bài kiểm tra thực hành ( kiểm tra định kỳ - hệ số 2). Cuối đợt thực tập, mỗi học sinh làm một bài báo cáo kết quả thực hiện các nội dung thực tập, kết quả hoàn thành các chỉ tiêu thực tập và trình sổ thực tập. Giáo viên nhà trường kết hợp với giáo viên kiêm chức đánh giá kết quả thực tập và cho điểm kết thúc môn học (hệ số 3).
Thực tập tốt nghiệp:
- Thời gian: 8 tuần vào cuối tuần học kỳ II của năm thứ hai
Học sinh thực tập cả ngày tại cơ sở thực tập
- Địa điểm:
+ Trạm Y tế xã/ phường: 2 tuần
+ Bệnh viện thuộc trung tâm Y tế huyện: 2 tuần
+ Khoa/ Bệnh viện YHCT tỉnh, trung ương: 4 tuần
- Tổ chức thực tập: Hiệu trưởng nhà trường quyết định địa điểm, thời gian thực tập tại mỗi địa điểm, nội dung và chỉ tiêu thực hành của học sinh trong thời gian thực tập tốt nghiệp.
- Nội dung: học sinh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người Y sỹ YHCT dưới sự hướng dẫn của giáo viên nhà trường và giáo viên kiêm chức.
- Đánh giá:
+ Kiểm tra định kỳ: Kết thúc thời gian thực tập tại tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh (hoặc trung ương) học sinh làm một bài kiểm tra thực hành (hệ số 2).
+ Thi kết thúc môn học: cuối đợt thực tập tốt nghiệp mỗi học sinh thực hiện một bài thi thực hành và trình bày một tiểu luận.
Nội dung kiểm tra định kỳ và thi kết thúc môn học do Hiệu trưởng quy định.
Điểm thực tập tốt nghiệp được tính như một môn thi (hệ số môn học là 4) và là một trong những điều kiện xét dự thi tốt nghiệp.
Thi tốt nghiệp:
- Thời gian ôn thi và thi tốt nghiệp: 4 tuần
- Môn thi tốt nghiệp:
+ Môn thi Lý thuyết tổng hợp:
Thi viết, thời gian làm bài 150- 180 phút
Sử dụng câu hỏi thi truyền thống kết hợp với câu hỏi thi trắc nghiệm
Nội dung đề thi: Tổng hợp các môn chuyên môn.
+ Môn thi thực hành nghề nghiệp:
Thí sinh làm bệnh án YHCT và thực hiện một hay một số quy trình kỹ thuật khám chữa bệnh bằng YHCT (do Hiệu trưởng quyết định)
- Hội đồng thi tốt nghiệp:
Thực hiện theo Quyết định số 40/2007/ QĐ –BGD & ĐT ngày 1/8/2007 của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo
Trên đây là một số hướng dẫn thực hiên chương trình đào tạo y sỹ YHCT.Trong quá trình thực hiện khóa học, Hiệu trưởng các trường cần căn cứ vào quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và Bộ Y Tế để vận dụng vào nhà trường cho phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu và chất lượng đào tạo.
Địa điểm nộp hồ sơ xét tuyển Cao đẳng Dược Hà Nội:
Thí sinh nộp trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện theo địa chỉ Cao đẳng Dược Hà Nội : Phòng 301 trường THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao. (trong khuôn viên Trường THPT năng Khiếu TDTT- VĐV cấp cao). Số 36 Lê Đức Thọ - Mỹ Đình - Nam Từ Liêm - Hà Nội .
Số điện thoại liên hệ : 0983.504.890 (Thầy Bình) || 0164.944.2249 (Thầy Hòa)
Email: caodangduochanoi2017@gmail.com